Nguyên nhân khiến giá bất động sản khó giảm hơn nữa

https://laodong.vn/bat-dong-san/nguyen-nhan-khien-gia-bat-dong-san-kho-giam-hon-nua-829827.ldo

Theo nhiều chuyên gia kinh tế, trong bối cảnh giá vàng, tỷ giá ngoại tệ... khá “hỗn loạn” như hiện nay, bất động sản giá trị thực sẽ tiếp tục là kênh trú ẩn và đầu tư an toàn, hơn cả vàng, chứng khoán và gửi tiết kiệm. Điều đặc biệt là “sân chơi” này vốn đầy sự cạnh tranh, không dành cho người vẫn chần chừ để chờ giá chạm “đáy”, bởi giá bất động sản hiện nay đã rất hợp lý và khó có khả năng giảm nữa.

Giá khó giảm sâu hơn

Khi đợt dịch COVID-19 thứ 2 xuất hiện tại một số tỉnh thành như Đà Nẵng, Quảng Nam, Hà Nội, Hải Dương..., nhiều người đang có tâm lý chờ giá bất động sản “chạm đáy” rồi mới quyết định “xuống tiền”.

Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều doanh nghiệp bất động sản đang bị đình trệ các dự án vì dịch bệnh, gặp khó khăn trong vấn đề nguồn cung và chi phí đầu vào bất động sản tăng, cho nên rất khó để giảm giá.

Trao đổi với Lao Động, ông Khổng Văn Cao - Trưởng phòng kinh doanh - Công ty bất động sản Tam Gia Phát cho hay, nguyên nhân khiến giá bất động sản trên thị trường hiện nay đang ở mức cao là do nguồn cung căn hộ rất hạn chế do những khó khăn về thủ tục pháp lý khiến các dự án không thể ra hàng.

"Hiện nay, Nhà nước định giá đất theo thị trường nên dự án trước sẽ đẩy giá đất dự án sau lên. Thời điểm đó, các chủ đầu tư đều đẩy nhiều chương trình khuyến mãi, cho nên bây giờ thực sự không còn dư địa để giảm giá nữa”, bởi giá bất động sản hiện nay đã hợp lý", ông Cao cho biết.

Nói về nguồn cung bất động sản, ông Cao cho rằng, hiện nay, số lượng dự án tại Hà Nội hiện đang rất ít. Tại TPHCM, mặc dù thành phố đã rất cố gắng tháo gỡ về pháp lý cho một số dự án bất động sản, tuy nhiên, nguồn cung vẫn không đáp ứng được so với nhu cầu của người mua nhà.

"Nguồn cung hạn chế, trong khi chi phí đầu vào của các dự án đang ở mức rất cao do thời gian chờ thủ tục pháp lý kéo dài, chi phí tiền sử dụng đất, vật liệu, giá thành xây dựng, quy định phòng cháy chữa cháy khiến dự án phải để ra những tầng lánh nạn, không kinh doanh được đã khiến chi phí đầu vào của dự án rất cao. Đó chính là những nguyên nhân khiến giá bất động sản không thể hạ xuống", ông Cao nói.

Không nên chờ bất động sản “chạm đáy” mới mua nhà. Ảnh: Ngọc Tiến/Lao Động
Không nên chờ bất động sản “chạm đáy” mới mua nhà. Ảnh: Ngọc Tiến/Lao Động 

Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM cho Lao Động biết, trước những khó khăn của doanh nghiệp bất động sản do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, các cơ quan quản lý nhà nước cần giúp tạo điều kiện cho doanh nghiệp, tháo gỡ ách tắc tại các dự án trên thị trường bất động sản. Có như vậy, nguồn cung trên thị trường mới được khơi thông, chi phí đầu vào bất động sản mới "hạ nhiệt".

Đừng chờ bất động sản "chạm đáy"

Nói thêm về vấn đề này, Nguyễn Trần Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) nêu quan điểm, hiện nay, hoạt động đầu tư xây dựng chịu sự điều chỉnh của khoảng 12 Luật khác nhau và rất nhiều Nghị định, Thông tư hướng dẫn của các Bộ, ngành. Ngoài ra, còn có hơn 20.000 tiêu chuẩn, quy chuẩn từ khâu xác định chủ trương đầu tư đến khi đưa dự án vào vận hành.

Điều này gây ra nhiều hệ quả lớn, gia tăng thời gian và chi phí tuân thủ, làm lỡ cơ hội đầu tư, tăng rủi ro đối với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Bởi vậy, các doanh nghiệp bất động sản mong muốn thủ tục hành chính tiếp tục được cải cách theo hướng thuận lợi mà không ảnh hưởng tới hiệu lực quản lý Nhà nước. Khi thủ tục hành chính thông thoáng sẽ góp phần thu hút đầu tư, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án.

Ông Khổng Văn Cao cho Lao Động hay, điều các doanh nghiệp bất động sản mong muốn nhất đó là các cơ quan quản lý sớm có những văn bản "cởi trói" được tính pháp lý cho các dự án. Làm sao để đẩy mạnh việc giải quyết các thủ tục hành chính nhanh nhất giúp cho doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, hiện nay người mua còn có cơ hội nhìn nhận khách quan hơn về năng lực phát triển dự án, tiềm năng và giá trị thực của các dự án bất động sản.